Tag Archives: 220 kV

Tin thêm về giải pháp vệ sinh lưới điện cao áp đang mang điện

Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) có nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện 220kV, 500kV khu vực Nam Miền Trung và Tây Nguyên. Đây là vùng thường bị nhiễm bẩn từ hơi nước muối biển và bụi đất đỏ bazan.

Vinamain.com

Hậu quả là khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi như sương muối, mưa phùn sẽ phát sinh phóng điện vầng quang, nếu không xử lý vệ sinh kịp thời sẽ có nguy cơ phóng điện tràn, ngắn mạch, gây sự cố đường dây, làm suy giảm khả năng cách điện, tăng tổn hao công suất trên lưới, gián đoạn cung cấp điện của hệ thống. Vì vậy, giám sát và vệ sinh cách điện là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thợ truyền tải.

Ông Nguyễn Văn Xuân, phó giám đốc PTC3 cho biết, ở các nước công nghiệp tiên tiến, việc vệ sinh cách điện hầu như được thực hiện hotline (vệ sinh khi đường dây vẫn mang điện). Công nhân làm vệ sinh hotline được sử dụng các phương tiện cơ giới hiện đại như máy bay trực thăng hoặc xe thang chuyên dụng; môi chất sử dụng thường là nước cách điện, được bắn rửa với áp lực cao.

Cách làm này đảm bảo an toàn nhưng rất tốn kém kinh phí nên không thể áp dụng ở Việt Nam. Vì vậy, PTC3 thường phải đăng ký cắt điện đường dây 500kv ít nhất 3 lần/năm để vệ sinh thủ công. Vì thời gian cắt điện ngắn, khối lượng vị trí cột nhiễm bẩn nhiều nên mỗi lần tổ chức vệ sinh, PTC3 phải điều động toàn bộ nguồn nhân lực đường dây hiện có ở các đơn vị để làm vệ sinh (khoảng 350 người làm vệ sinh cho 500 vị trí trong 1 ngày). Vì thời gian cắt điện có hạn nên luôn tạo nên áp lực rất lớn cho người lao động, làm tăng nguy cơ mất an toàn khi làm việc trên cao. Hơn nữa, việc cắt điện để vệ sinh đã gây bất lợi lớn cho hệ thống, nhất là vào mùa khô, nếu cắt điện 1 đường dây để vệ sinh, chỉ còn lại 1 đường dây tải điện thì nguy cơ rã lưới diện rộng là rất lớn.

Với mục đích giảm thiểu việc cắt điện, chủ động trong xử lý nhiễm bẩn cách điện, PTC3 đã đăng ký nghiên cứu đề tài “Vệ sinh cách điện lưới truyền tải (220 kV, 500 kV) đang mang điện bằng nước áp lực cao”. Đây là công việc hoàn toàn mới, chưa từng được làm ở Việt Nam, lại thực nghiệm trên đường dây siêu cao áp nên rất nguy hiểm. Vì vậy, vấn đề đặt ra ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và an toàn cho cả hệ thống. Đồng thời giúp thợ đường dây chủ động được trong việc vệ sinh cách điện nhiễm bẩn, giảm được chi phí quản lý, giảm cường độ lao động cho công nhân, đặc biệt là giảm được nguy cơ phóng điện gây sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của hệ thống.

Theo Phó giám đốc Nguyễn Văn Xuân, ngoài 4 chỉ tiêu phải đảm bảo an toàn cho con người như dòng điện rò, điện áp cao, điện từ trường và làm việc trên cao, yếu tố quyết định cho sự thành công của đề tài chính là việc thực hiện phương pháp khử ion theo công nghệ mới để nước không còn khả năng dẫn điện. Kết quả này cho phép người quản lý có thể trang bị hệ thống xử lý nước ngay trên ôtô và vận hành ngay tại hiện trường với chi phí đầu tư thấp, khá gọn nhẹ. Nước cách điện (đã qua xử lý ion) được chứa trong bồn sạch (bằng nhựa hoặc inox), thể tích tùy thuộc vào tải trọng của xe ôtô, thường để lượng nước đủ vệ sinh trong ngày cần khoảng 2m3 cho một nhóm công tác. Trên bồn nước có gắn thiết bị giám sát online cách điện của nước. Bồn nước này có thể bố trí cùng với thiết bị động lực và hệ thống xử lý nước trên một xe tải để tiện cơ động. Nước được bắn lên theo vòi nước với áp lực cao 70-100kg/cm2 để rửa sạch bụi bẩn.

Sau hơn hai năm nghiên cứu, thực nghiệm trong xưởng và thử nghiệm ở hiện trường lưới 220 kV, 500 kV đang mang điện, từ tháng 4/2010 đến nay, hàng loạt cuộc thử nghiệm tại các trạm biến áp đã thành công như vệ sinh cách điện đường dây 220 kV Tuy Hòa- Nha Trang đang mang điện, vệ sinh hotline cấp điện áp 500 kV tại TBA 500 kV Pleiku, vệ sinh hotline thiết bị trong TBA 220kV Nha Trang (bao gồm máy cắt, chống sét van, dao cách ly, biến điện áp, biến dòng điện và MBA 220/110 kV).

Đặc biệt, thực nghiệm vệ sinh cách điện đường dây 220 kV Krông Bút- Buôn Khớp (vị trí 56) và đường dây 500 kV Pleiku- Phú Lâm (vị trí 2702) khi đường dây vẫn đang mang điện được thực hiện rất nhanh chóng (mỗi chuỗi cách điện 500 kV chỉ bắn rửa trong 30 giây và chuỗi 220 kV trong 15 giây). Nếu như trước kia muốn làm vệ sinh 1 cột đỡ có 4 chuỗi cách điện 2 công nhân làm mất 2 giờ với tổng kinh phí khoảng 693.000 đ/cột, nay chỉ hết 20 phút (kể cả thời gian bố trí thiết bị và vận hành) với tổng kinh phí khoảng 291.000 đ/cột. Điều quan trọng là vẫn đảm bảo vận hành lưu thông dòng điện mà không phải cắt điện như trước.

Hiện nay, Công ty Truyền tải điện 3 đang dự kiến thành lập một đội vệ sinh hotline, trang bị trọn bộ một hệ thống thiết bị vệ sinh hotline và xử lý nước để triển khai trên lưới. Đồng thời tiếp tục đầu tư nghiên cứu để hoàn thiện công nghệ, tiến hành biên soạn qui trình công nghệ, làm thủ tục chứng nhận cấp phép đến trang bị thiết bị đồng bộ, huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ trong ngành…

Theo: CôngThương

Vệ sinh cách điện lưới Truyền tải (220 kV, 500 kV) đang mang điện bằng nước áp lực cao

Đường dây 500 kV Bắc Nam là trục xương sống, huyết mạch của lưới điện truyền tải quốc gia. Bảo đảm cho hệ thống này vận hành an toàn, liên tục là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi công ty truyền tải. Có nhiều nguy cơ rình rập gây mất an toàn cho hệ thống, trong đó việc nhiễm bẩn, phóng điện, gây sự cố, là mối đe dọa nguy hiểm nhất.

Vinamain.com

Công nhân Công ty Truyền tải điện 3 vệ sinh cách điện hotline đường dây 500kV Pleiku – Phú Lâm (mạch 1)

Biện pháp duy nhất hiện nay các công ty truyền tải đang sử dụng để giải quyết việc nhiễm bẩn cách điện là: Cắt điện đường dây, công nhân vệ sinh thủ công từng bát sứ một. Việc vệ sinh thủ công này rất tốn kém và tăng nguy cơ mất an toàn cho người lao động. Đồng thời, việc cắt điện đường dây truyền tải luôn gây bất lợi cho vận hành hệ thống, đặc biệt là đường dây 500 kV, nếu tách lưới sẽ tăng nguy cơ mất ổn định và thiếu nguồn cho phụ tải

Làm thế nào để vệ sinh được cách điện nhiễm bẩn, giảm được phóng điện, tránh được sự cố, nhưng không để hệ thống bị gián đoạn vì cắt điện là bài toán nan giải của những người làm công tác quản lý kỹ thuật lưới điện quốc gia. Ở các nước công nghiệp tiên tiến, việc vệ sinh cách điện hầu như được thực hiện hotline (vệ sinh khi đường dây vẫn mang điện), bằng các phương tiện cơ giới hiện đại như máy bay trực thăng hoặc xe thang chuyên dụng; môi chất sử dụng thường là nước cách điện, được bắn rửa với áp lực cao.

Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, kinh phí của ngành Điện còn eo hẹp, trình độ quản lý kỹ thuật còn hạn chế, việc đầu tư trang bị công nghệ, phương tiện, thiết bị vệ sinh cách điện hotline hiện đại của nước ngoài là bất khả thi trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, nghiên cứu một giải pháp vệ sinh cách điện hotline lưới truyền tải, phù hợp với đặc thù quản lý vận hành và khả năng tài chính của ngành Điện là hướng suy nghĩ táo bạo của những cán bộ kỹ thuật Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3).

Được sự cho phép của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, PTC3 đã đăng ký nghiên cứu đề tài “Vệ sinh cách điện lưới truyền tải (220 kV, 500 kV) đang mang điện bằng nước áp lực cao” (chủ trì đề tài Ks. Nguyễn Văn Xuân – PGĐ và Ks. Nguyễn Trí Dũng – Đội trưởng Đội thí nghiệm), nhằm mục đích giảm thiểu việc cắt điện, chủ động trong xử lý nhiễm bẩn cách điện.

Vinamain.com

Công nhân Công ty Truyền tải điện 3 vệ sinh hotline Máy cắt 220kV tại trạm biến áp 220 kV Nha Trang

Làm việc với điện luôn nguy hiểm, làm việc với điện siêu cao áp càng nguy hiểm gấp bội phần, vì vậy, vấn đề an toàn luôn phải được đặt ra đầu tiên và mang yếu tố quyết định. An toàn cho con người, an toàn cho thiết bị và an toàn cho hệ thống là những đòi hỏi kiên quyết phải bảo đảm của bất kỳ giải pháp hotline nào, được thực thi trên lưới điện truyền tải quốc gia.
Đây là công việc hoàn toàn mới, chưa từng được làm ở Việt Nam, nên chưa có qui trình qui phạm để tuân thủ, chưa có tài liệu kỹ thuật để tham chiếu. Vì vậy, đòi hỏi PTC3 phải đầu tư nhiều công sức để nghiên cứu từ đầu. Từ cơ sở lý thuyết đến thực nghiệm trong phòng thí nghiệm, từ thử nghiệm điều khiển từ xa không người đến thử nghiệm thực tế có người tiếp xúc tại hiện trường.

Một khi đề tài thành công sẽ giúp cho người quản lý vận hành lưới điện truyền tải chủ động được trong việc vệ sinh cách điện nhiễm bẩn, giảm được chi phí quản lý, giảm cường độ lao động cho người công nhân, đặc biệt là giảm được nguy cơ phóng điện gây sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của hệ thống.

Sau hơn hai năm nghiên cứu, thực nghiệm cẩn trọng trong xưởng và thử nghiệm ở hiện trường lưới 220 kV, 500 kV đang mang điện, có thể khẳng định mục tiêu của đề tài đã đạt được. Đó là, trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, hoàn toàn có thể vệ sinh cách điện lưới truyền tải đang mang điện bằng công nghệ bắn rửa nước áp lực cao, bảo đảm an toàn cho con người và thiết bị.

Kết quả bước thử nghiệm tại hiện trường như sau:

– Vào ngày 21/4/2010, tại Trạm biến áp 220 kV Nha Trang, PTC3 đã thử nghiệm thành công vệ sinh cách điện đường dây 220 kV Tuy Hoà – Nha Trang đang mang điện.

– Ngày 3/5/2010, tại TBA 500 kV Pleiku, đã thử nghiệm thành công vệ sinh hotline cấp điện áp 500 kV.

– Ngày 18/6/2010, thử nghiệm thành công vệ sinh hotline thiết bị trong TBA 220kV Nha Trang (bao gồm máy cắt, chống sét van, dao cách ly, biến điện áp, biến dòng điện và MBA 220/110 kV).

– Đặc biệt vào ngày 16/6/2010, tại Ban Mê Thuột, dưới sự chứng kiến của ông Nguyễn Đức Cường – Phó TGĐ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và ông Ngô Kế Nghiệp – chuyên viên Cục An toàn Bộ LĐTB&XH, Công ty Truyền tải điện 3 đã tổ chức vệ sinh cách điện đường dây 220 kV Krông Bút – Buôn Khớp (vị trí 56) và đường dây 500 kV Pleiku – Phú Lâm (vị trí 2702) khi đường dây vẫn đang mang điện. Công việc được thực hiện nhanh chóng, thành công và an toàn tuyệt đối (mỗi chuỗi cách điện 500 kV chỉ bắn rửa trong 30 giây và chuỗi 220 kV trong 15 giây).

Công ty Truyền tải điện 3 xác định đây chỉ là thành công bước đầu, mang tính chứng minh sự đúng đắn và khả thi của giải pháp đề ra. Để công nghệ vệ sinh hotline này áp dụng được vào thực tiễn, cần phải đầu tư nhiều công sức và tài chính hơn nữa để nghiên cứu triển khai bước hai, từ biên soạn qui trình công nghệ, thủ tục chứng nhận cấp phép đến trang bị thiết bị đồng bộ, từ thực nghiệm từng loại sơ đồ cột, từng vị trí thiết bị, đến huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ trong ngành…

Mong rằng, với những thành công bước đầu đạt được và tính khả thi về hiệu quả thực tiễn khi chính thức áp dụng, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia sẽ cho phép Công ty Truyền tải điện 3 tiếp tục đầu tư triển khai bước hai để sớm áp dụng công nghệ vệ sinh hotline này trong lưới điện truyền tải.

Chủ trì đề tài:  – Nguyễn Văn Xuân – Phó Giám đốc PTC3
Nguyễn Trí Dũng – Đội trưởng Đội Thí nghiệm PTC3

Theo icon.evn.com.vn

Trạm biến áp không người trực đầu tiên của Việt Nam: Khó, nhưng không nản

Việc xây dựng các trạm biến áp (110 kV, 220 kV, 500 kV) không người trực là yêu cầu cần thiết trong quá trình hiện đại hóa, tăng cường khả năng truyền tải và độ an toàn, tin cậy cho hệ thống điện Quốc gia. Do vậy, từ năm 2008, Ban Kỹ thuật – Sản xuất (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và một số đơn vị thành viên như Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (KHPC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Lãnh đạo Tập đoàn về dự án trạm biến áp không người trực (KNT) hay còn gọi là trạm biến áp tích hợp.

Việc xây dựng và vận hành các TBA không người trực hoặc ít người trực sẽ đáp ứng bài toán tối ưu cho hệ thống điện

Ưu thế vượt trội

Các trạm biến áp trên lưới điện truyền tải các cấp điện áp 110 kV, 220 kV và 500 kV ở nước ta hiện nay được trang bị hệ thống tự động hóa ở các mức độ khác nhau, được phân thành hai cấp độ hệ thống giám sát, điều khiển: Kiểu truyền thống và bằng máy tính.

Đối với các trạm biến áp vận  hành từ năm 1998 trở về trước, chức năng điều khiển từ xa (từ phòng điều khiển trung tâm đặt trong trạm) thường chỉ giới hạn ở khả năng thao tác đóng cắt máy cắt, còn lại các thao tác vận hành khác đều thực hiện bằng tay ngay tại thiết bị. Chức năng giám sát trạm cũng chỉ được thực hiện thông qua thiết bị tách biệt, rời rạc, chưa có hệ thống tích hợp thông tin và xử lý cảnh báo chung cho toàn trạm.

Trong khi đó, các trạm được giám sát, điều khiển bằng hệ thống máy tính tích hợp (nhiều trạm 220 kV áp dụng từ năm 2000 đến nay) đã thể hiện rõ ưu thế vượt trội so với kiểu truyền thống, đặc biệt là khả năng thu thập, xử lý và lưu trữ một lượng thông tin rất lớn với mức độ chính xác rất cao. Đồng thời, mở ra khả năng tự động hóa hoàn toàn công tác quản lý vận hành trạm biến áp. Chinh vì thế, theo EVN, việc ứng dụng công nghệ máy tính là bước trung gian để xây dựng trạm biến áp ít người trực hoặc không người trực vận hành, đáp ứng bài toán tối ưu hóa cho hệ thống điện.

Nhiều thách thức…

Tuy nhiên, để triển khai dự án trạm biến áp KNT ở Việt Nam có nhiều thách thức. Theo EVN, hệ thống lưới điện cao áp và siêu cao áp của nước ta trải trên diện rộng, các trạm biến áp cách xa nhau là yếu tố không thuận lợi, ảnh hưởng tới khả năng phản ứng nhanh của các đội vận hành (thao tác) khi áp dụng trạm KNT. Mặt khác, việc dự kiến thí điểm các trạm KNT tại các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh cũng gặp khó khăn do phần lớn các trạm hiện hữu sử dụng hệ thống điều khiển kiểu truyền thống (thao tác bằng tay).

Việc cải tạo, chuyển đổi các trạm có người trực truyền thống sang trạm KNT cũng đòi hỏi phải tính toán chi tiết, phức tạp, chia thành nhiều giai đoạn để tránh phải cắt điện liên tục, dài ngày. Đồng thời, phải đầu tư bổ sung thiết bị giám sát bằng hình ảnh, thiết bị báo cháy tự động, bộ giám sát dầu online cho MBA chính, bộ lọc dầu online cho các bộ điều áp (đối với các bộ điều áp chưa có bộ lọc dầu), hệ thống bảo vệ an ninh cho trạm… Đó là chưa kể, hiện Việt Nam vẫn chưa có hệ thống quy trình vận hành, thao tác; quy phạm trang bị điện, tiêu chuẩn thiết kế… cho trạm KNT.

…nhưng không nản

Dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng EVN vẫn quyết tâm hướng tới triển khai thực hiện mô hình trạm KNT tại Việt Nam. Cuối năm 2009, NPT đã tham quan, học tập mô hình TBA không người trực của Công ty Lưới điện Vân Nam (Trung Quốc). Công ty Truyền tải điện 4 đã lắp đặt, thử nghiệm hệ thống Demo Trung tâm điều khiển lưới từ xa đặt tại Công ty. Công ty CP Điện lực Khánh Hòa đang đầu tư Hệ thống thông tin tích hợp vận hành và kinh doanh điện năng. Theo chỉ đạo của EVN, các đơn vị đang chuẩn bị nguồn nhân lực để tiếp nhận, quản lý vận hành, thao tác và xử lý sự cố… tại các Trung tâm điều khiển.

Trong năm 2010 và các năm tiếp theo, EVN dự kiến triển khai một số nhiệm vụ chính như: Thành lập Tổ công tác thường trực để nghiên cứu, biên soạn quy trình quản lý kỹ thuật, vận hành, điều độ hệ thống điện… cho trạm KNT. Tổ chức các khóa đào tạo về mô hình trạm KNT để chuẩn bị nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp quản, vận hành, thao tác xử lý sự cố… tại các trung tâm điều khiển. Trong đó, chú ý việc tham khảo mô hình trạm KNT của các nước tiên tiến trên thế giới để biên soạn các tiêu chuẩn thiết kế cho trạm KNT của Việt Nam.

Trong giai đoạn 1 (từ 2 đến 3 năm đầu), Tập đoàn sẽ thực hiện mô hình trạm ít người trực kết hợp thí điểm trạm 220 kV và 110 kV KNT ở các thành phố và trung tâm phụ tải lớn. Sau đó sẽ rút kinh nghiệm để giai đoạn 2 chính thức triển khai các trạm KNT. Dự kiến từ năm 2012, tại một số khu vực cần thiết, các trạm biến áp đầu tư mới của NPT và các tổng công ty điện lực sẽ xây dựng theo mô hình trạm KNT.

Dự Kiến thí điểm các trạm KNT:

– Công ty Truyền tải điện 4: Trạm 220 kV Thủ Đức
– Công ty Truyền tải điện 1 có 2 phương án:
Phương án 1: Chọn trạm 500 kV Thường Tín
Phương án 2: Chọn trạm 220 kV Bắc Ninh

Ưu điểm của trạm KNT:

– Nâng cao năng suất lao động, giảm tối đa nhân lực lao động;
– Giảm thiểu đầu tư cáp, các thiết bị trung gian, nâng cao độ tin cậy làm việc chính xác của thiết bị, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục;
– Giảm thiểu sự cố do thao tác nhầm của người vận hành, nâng cao mức độ an toàn cho người vận hành;
– Đáp ứng các yêu cầu của vận hành thị trường điện

Theo: http://www.evn.com.vn