Khó khăn, thách thức đối với ngành tự động hóa

Các doanh nghiệp (DN) chậm phát triển và đổi mới ứng dụng công nghệ tự động hóa là một nguyên nhân làm cho năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không cao. Đây đang là một thách thức lớn đối với yêu cầu phát triển nền kinh tế.

Vinamain.com

Vinamain.com

Chưa đáp ứng được nhu cầu

Mặc dù chi phí cho các sản phẩm và hệ thống tự động hóa trong dây chuyền sản xuất chỉ chiếm 5 – 10% tổng chi phí, nhưng là thành phần đầu não, cốt lõi của cả dây chuyền sản xuất. Thiếu hệ thống tự động hóa, dây chuyền sản xuất sẽ dừng hoặc cho ra các sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, phần lớn thị trường này tại Việt Nam lại do các hãng tự động hóa nước ngoài chi phối. Các sản phẩm của DN nước ngoài có giá thành hợp lý với chất lượng ổn định. Cụ thể: phần lãi ròng của các sản phẩm tại các nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật thường là 10 -15% giá trị sản phẩm, của các nước đang phát triển là 5 – 10%, thậm chí của Trung Quốc lấy rất thấp từ 1 – 3%. Đối với DN Việt Nam, tỷ lệ các sản phẩm và dịch vụ tự động hóa chỉ chiếm phần nhỏ. Các công ty Việt Nam chủ yếu làm các dịch vụ (tích hợp hệ thống, bảo hành, bảo trì…) nhưng cũng chỉ mới đủ năng lực làm các hệ thống nhỏ hoặc bảo trì các hệ thống lớn dưới sự chỉ đạo của các chuyên gia nước ngoài. Đây là một thách thức rất lớn đòi hỏi các sản phẩm và dịch vụ tự động hóa của Việt Nam phải vượt qua.

Một nguyên nhân khác khiến sự phát triển của công nghệ tự động hóa của Việt Nam không mạnh là sự thiếu hụt đội ngũ nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới ở các cơ sở sản xuất. Một khi các cơ sở sản xuất không tiến hành việc thiết kế, chế tạo và cải tiến chỉ tiêu chất lượng các sản phẩm của mình, thì thiếu hẳn động lực phát triển cho công nghệ nói chung và cho công nghệ tự động hóa nói riêng.

Mặt khác, các viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghệ của nước ta hiện nay ít nhiều còn xa rời với thực tiễn sản xuất và chưa gắn bó hữu cơ với thị trường nên không tạo nên sức phát triển tổng hợp. Về đào tạo tự động hóa, tuy có nhiều sự phát triển đáng kể: chương trình đào tạo mới được áp dụng, kỹ sư ra trường có trình độ cao, dễ kiếm việc làm và không bị ứ đọng… Mặc dù vậy, các kỹ sư tự động hóa được đào tạo này khi về các cơ sở sản xuất thường làm các công việc bảo hành, bảo trì hệ thống đo và điều khiển dây chuyền công nghệ mà không được tiếp cận với công việc phát triển sản phẩm hoặc thiết kế hệ thống điều khiển mới. Điều này làm kiến thức của các kỹ sư sau khi ra trường ít được cập nhật và phát triển. Hệ quả làm giảm sức sống, sức phát triển của lĩnh vực công nghệ tự động hóa nước nhà.

Cần có chiến lược cụ thể

Nhìn chung, ngành công nghiệp chế tạo các sản phẩm công nghệ cao nói chung và các sản phẩm công nghệ tự động hóa nói riêng của ta còn rất non trẻ. Các dịch vụ về tự động hóa còn giản đơn, chưa tiếp cận được công nghệ mới. Điều này đòi hỏi cần có chiến lược cụ thể nhằm phát triển một ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Ông Trịnh Đình Đề – Hội Khoa học và Công nghệ Tự động hóa Việt Nam cho rằng, từ lâu, chúng ta chỉ nhấn mạnh việc khai thác tự động hóa mà chưa hoạch định được sản phẩm về phần mềm, phần cứng, hệ thống… là gì. Bằng chứng là do chưa có trung tâm nào tập trung làm điều trên, nên người ta hiểu là chỉ có phần mềm trong ngành công nghệ thông tin và phần cứng trong các dây chuyền lắp ráp máy tính, tivi… Tự động hóa chưa có mục tiêu và chỉ tiêu rõ ràng nào cần đạt được. Muốn có nền tự động hóa phát triển, cần có những tổng công trình sư giỏi. Đây là những cán bộ làm công tác kỹ thuật hoặc quản lý có kiến thức tổng hợp, có chuyên môn sâu về một ngành, am hiểu rộng các lĩnh vực có liên quan… Hiện nay, tự động hóa phát triển theo hướng tích hợp các công nghệ cho nên rất cần những tổng công trình sư. Cần xây dựng mức lương hấp dẫn với những kỹ sư giỏi về cơ khí-tự động hoá. Nếu không, cần cử các nhân viên của DN đi học nâng cao trình độ về tự động hóa ở các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học…

Tận dụng cơ hội được vay vốn ưu đãi của Chính phủ, các DN nên mạnh dạn đầu tư mua sắm các dây chuyền, máy móc tự động. Nhưng trước tiên cần xây dựng chiến lược, dự án rõ ràng; trong đó, quy định rõ ràng trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong sự thành bại khi đầu tư. Điều này là khá thuận lợi cho các DN đã và sắp cổ phần hóa. Bởi lúc đó, việc phân quyền cho người trực tiếp quản lý DN sẽ mạnh hơn trước, giúp họ chủ động trong nhiều mặt.

Theo baocongthuong

1 responses to “Khó khăn, thách thức đối với ngành tự động hóa

  1. TÔi rất tâm đắc với bài viết trên tuy nhiên tôi có vài ý sau:
    -Chính sách mục tiêu nhà nước(hỗ trợ vốn vay,thuế…cho các doanh nghiệp chế tạo ra máy madein VN,chất lượng quốc tế)
    -Con người:a)Học chay nhiều quá, lý thuyết nắm lơ mơ đến khi đi làm biết được đôi chút tưởng là biết hết,không trau dồi tìm hiểu ngọn ngành
    b)Trường:không trực quan,sinh động không có sản phẩm đi vào thực tế
    -Xã hội:Không có mạnh thường quân hỗ trợ khóa học chuyên sâu cho người đã đi làm,không có sự liên kết trường học,viện nghiên cứu và doanh nghiệp

Gửi phản hồi cho tuanteo Hủy trả lời